I. Kỹ thuật làm đất
- Sử dụng rơm rạ thông qua biện pháp cày vùi, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học (Trichoderma,...). Sau thu hoạch 10 - 15 ngày tiến hành cày vùi rơm, rạ.
- Cày ải, phơi đất ít nhất 2 - 3 tuần giữa hai vụ để gia tăng độ khoáng hóa của đất, đất tơi xốp giúp cây lúa hấp thu phân bón một cách tốt nhất.
- Khai thông các kênh mương để khi cần thiết có thể bơm chống hạn hoặc chống úng kịp thời.
- San bằng mặt ruộng, trục trạc, đánh bùn thật nhuyễn giúp hạn chế cỏ dại, quản lý nước được tốt hơn. Thiết kế một số đường thoát nước, thoát phèn trên mặt ruộng.
Nếu có mặt bằng tốt, việc điều tiết nước sẽ thuận lợi và dùng nước để khống chế cỏ dại. Áp dụng phương pháp trang bằng mặt ruộng bằng tia lazer có các ưu điểm sau:
- Độ chênh lệch mặt ruộng sau khi trang bằng là rất thấp (từ 3 - 5 cm).
- Dễ kiểm soát cỏ dại (giảm 70% công lao động làm cỏ).
- Hạn chế được sâu bệnh, đặc biệt là ốc bươu vàng.
- Tăng diện tích đất hữu hiệu thêm khoảng 5 - 7%.
- Tiết kiệm lượng nước tưới cho lúa.
- Giảm lượng giống gieo sạ.
- Phân bón phân bố đồng đều.
- Thuận tiện cho sử dụng công cụ sạ hàng hoặc máy cấy.
II. Chuẩn bị hạt giống
2.1. Chọn giống
- Tùy theo từng chân ruộng và mùa vụ để bố trí giống lúa cho thích hợp, chọn giống theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp địa phương và nhu cầu thị trường.
- Phải sử dụng giống xác nhận để làm giống vì các ưu điểm sau:
+ Hạt giống có độ thuần cao, không lẫn tạp (hạt cỏ và giống khác);
+ Hạt giống có tỷ lệ nẩy mầm cao và không mang mầm bệnh, sâu mọt;
+ Lúa sinh trưởng đồng đều, giúp tăng năng suất từ 5 - 10%;
+ Giúp gia tăng chất lượng nông sản rất rõ rệt;
+ Giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ.
2.2. Thử độ nảy mầm trước khi ngâm ủ
Bảo đảm độ nảy mầm trên 80%, mầm khỏe và đồng đều. Đồng thời, cần xác định giống lúa còn thời gian miên trạng hay không để từ đó có biện pháp xử lý thích hợp.
2.3. Xử lý hạt giống
- Nên xử lý hạt giống bằng dung dịch nước muối 15%. Giống mới thu hoạch cần xử lý bằng axit nitric để phá tính miên trạng.
- Những giống lúa dễ bị nhiễm bệnh lúa von phải xử lý giống trước khi gieo sạ, với một số loại thuốc như Polyram 80 DF, Jivon 6WP, …
III. Thời vụ trồng
- Vụ Hè Thu: từ tháng 5 - 8 cho các giống lúa cao sản ngắn ngày
- Vụ Thu Đông: từ tháng 8 - 11 cho giống lúa cao sản. Giống lúa trung mùa và mùa đặc sản từ tháng 8 đến tháng 1.
- Vụ Đông Xuân: từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau.
IV. Gieo sạ
- Sạ theo đúng lịch thời vụ do chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo, trong vụ Hè - Thu lưu ý tình hình hạn hán ở đầu vụ.
- Sạ đồng loạt, tập trung “né rầy” cho từng cánh đồng, từng vùng.
- Mật độ gieo sạ: Sạ hàng từ 70- 80kg/ha, sạ lan từ 100 - 120kg/ha.
- Điều kiện cần thiết để giảm giống thành công:
- Phải sử dụng giống xác nhận.
- Mặt ruộng phải bằng phẳng, làm đất kỹ.
- Có biện pháp quản lý tốt cỏ dại và ốc bươu vàng.
- Ruộng phải chủ động tưới tiêu.
- Chia giống và phân lô để sạ giống đều
V. Bón phân
5.1. Bón thúc lần 1 (7-10 ngày sau sạ)
- Vụ Đông - Xuân: 30 N + 25 - 30 P2O5 + 30 K2O tương đương 40 - 44 kg Urê + 55 - 65 kg DAP + 50 kg K
- Vụ Hè - Thu: 25 N + 25 - 30 P2O5 + 30 K2O tương đương 30 - 33 kg Urê + 55-65 kg DAP + 50 kg K
5.2. Bón thúc lần 2 (18 - 20 ngày sau sạ)
- Vụ Đông - Xuân: Lá màu xanh vừa (khung 3-4) bón 30 N tương đương 65 kg Urê, màu xanh vàng (khung < 3) bón 40 N + 20 - 25 P2O5 tương đương 65 - 70 kg Urê + 44 - 55 kg DAP.
- Vụ Hè - Thu: Lá màu xanh vừa (khung 3-4) bón 25 N tương đương 55 kg Urê, màu xanh vàng (khung < 3) bón 35 N + 25-30 P2O5 tương đương 50-55 kg Urê + 55 – 65 kg DAP.
Nên tỉa dặm sớm (15 - 18 ngày sau sạ) để lúa có thời gian phục hồi, ruộng đồng đều. Dùng phân DAP bón vá áo vào những nơi lúa xấu, cấy dặm. Có thể sử dụng những loại phân bón lá giàu lân như Hydrophos hoặc các dạng Humate để giúp lúa đẻ nhánh nhanh.
5.3. Bón phân đón đòng (40 - 45 ngày sau sạ)
Lá lúa có màu xanh đậm (màu xanh ≥ khung 3 - 4) chỉ bón phân Kali (17 - 34) kg Kali. Khi lá có màu xanh vàng chanh (khung màu <3) thì bón bổ sung như sau:
- Vụ Đông - Xuân: bón 50 - 60 kg Urê + 17 - 34 kg Kali
- Vụ Hè - Thu: bón 35 - 40 kg Urê + 17 - 34 kg Kali
- Lưu ý:
- Tùy theo từng vùng đất có thể điều chỉnh liều lượng phân bón trên hợp lý; Đất xám bạc màu, đất gò (đất cát), đất giồng cần tăng lượng Kali.
- Giai đoạn trổ - chín: Dựa vào màu xanh của 3 lá trên cùng để quyết định xem có nên cung cấp thêm dinh dưỡng chứa N và K dưới dạng phân bón lá (7 - 5 - 44).
- Không nên sử dụng phân bón lá có dinh dưỡng cao khi bông lúa có biểu hiện bệnh đạo ôn, lem lép hạt, lép vàng vi khuẩn. Không lạm dụng các chất kích thích sinh trưởng làm to hạt, làm ảnh hưởng chất lượng hạt.
- Một số biện pháp giúp sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả:
- Nên bón lót vôi đầu vụ liều lượng 200 - 500 kg vôi bột/ha lúc cày vùi rơm rạ.
- Sử dụng các chế phẩm sinh học giúp rơm rạ mau phân hủy, cải tạo đất và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng sử dụng.
- Bón lót phân hữu cơ hoặc hữu cơ vi sinh. Đặc biệt vụ Hè - Thu sử dụng phân hữu cơ giúp tăng khả năng giữ ẩm.
- Bón phân cân đối, hợp lý và tránh bón thừa phân đạm (sử dụng bảng so màu lá). Khi bón phân cần tuân thủ nguyên tắc “3 nhìn”: Nhìn trời - nhìn đất - nhìn cây và “4 đúng”: Đúng lúc - đúng loại - đúng liều lượng - đúng cách.
- Bón vùi phân đạm vào lớp đất mặt vài cm sẽ giảm sự mất đạm từ 25 - 75% như đạm vàng 46A+ (Agrotain), đạm xanh (Urea bọc NEB 26), Urea bọc dầu Neem hoặc bọc lưu huỳnh, DAP Avail,...
- Vụ Hè - Thu nên bón tăng lượng phân lân và giảm lượng phân đạm.
- Ở những vùng thiếu nước ở đầu vụ Hè - Thu, có thể sử dụng phân bón lá.
VI. Tưới tiêu nước
- Sau khi gieo sạ cần rút nước cạn, chỉ để ruộng đủ ẩm. Sau khi phun thuốc trừ cỏ 1 - 2 ngày phải đưa nước vào ruộng
- Giai đoạn 7 - 10 ngày sau sạ (NSS): Đưa nước vào ruộng từ 1 - 3 cm để bón phân lần 1, tiếp tục giữ mực nước trên cho đến 20 NSS.
- Giai đoạn 18 - 20 NSS: Bơm nước để bón phân lần 2, giữ mực nước cao tối đa không quá 5 cm. Trường hợp nếu có rầy di trú cho nước ngập cây lúa.
- Giai đoạn từ 25 - 40 NSS (sau bón phân lần 2 và trước bón phân lần 3): tháo nước ra cho ruộng khô ráo (không có rầy). Mực nước trên bằng mặt đất đến thấp hơn mặt đất 15 cm, khi nào mực nước xuống thấp hơn 15 cm thì bơm nước cao hơn mặt ruộng 5 cm và tiếp tục để mực nước hạ xuống dưới 15 cm thì mới bơm nước vào tiếp.
- Lưu ý:
+ Sau khi bón phân lần 2 cần duy trì mức nước trong ruộng ít nhất 5 – 7 ngày
+ Tùy từng chân ruộng, thời gian rút nước từ 10-12 ngày. Những chân ruộng nhiễm phèn, thời gian rút nước có thể ngắn hơn, mực nước ruộng cạn khoảng 10cm.
- Giai đoạn từ 40 - 45 NSS: khi quan sát trên ruộng có 2/3 lá lúa chuyển màu vàng chanh là giai đoạn bón phân lần 3 (bón thúc đòng hay bón đón đòng), cần bơm nước vào khoảng 1- 3 cm để bón phân lần 3 (bón nuôi đòng).
- Giai đoạn 60 - 70 NSS (giai đoạn lúa trổ): Cần giữ mực nước trong ruộng cao 3 - 5 cm liên tục trong khoảng 10 ngày để đủ nước cho lúa trổ và thụ phấn dễ dàng.
- Từ sau 70 NSS: Lúa trổ đều đến chín sáp tiếp tục điều tiết nước theo kỹ thuật tưới “ngập khô xen kẽ” tương tự như giai đoạn 25 - 40 NSS.
- Tháo cạn nước (xiết nước) trước thu hoạch 5 - 7 ngày đối với ruộng cao và 7 - 10 ngày đối với ruộng trũng nhằm thúc đẩy quá trình chín và ruộng khô ráo.
- Quản lý cỏ dại
- Vệ sinh đồng ruộng kỹ, sử dụng hạt giống xác nhận hoặc dùng nước muối 15% để xử lý giống loại hạt cỏ.
- Cần trừ cỏ sớm để cỏ không cạnh tranh dinh dưỡng với lúa.
- Nên dùng các loại thuốc trừ cỏ sớm trong vòng 10 ngày đầu sau khi sạ. Từ ngày thứ 10 - 16 nếu còn cỏ sót thì dùng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm phun lần 2.
- Chủ động điều tiết nước phù hợp sau khi sử dụng thuốc cỏ.
VII. Khử lẫn
- Làm sạch cỏ dại.
- Nhổ bỏ cây bệnh có hạt lem, hạt bị đen.
- Nhổ bỏ cây khác giống.
Nên khử gọn trong 1 - 2 ngày vào các thời kỳ mà các đặc điểm khác biệt của giống biểu hiện rõ nét nhất.
- Thời kỳ mạ: dựa vào chiều cao cây mạ.
- Thời kỳ đẻ nhánh - làm đòng: dựa vào màu sắc phiến lá, bẹ lá, tai lá và chiều cao cây để khử lẫn.
- Thời kỳ trổ bông: dựa vào thời gian trổ, chiều cao cây, dạng bông, lá đòng để nhổ bỏ những cây trổ sớm hoặc trổ muộn hơn đại trà.
- Thời kỳ cong me - vàng đuôi: dựa vào hình dáng, kích thước, màu sắc của bông và hạt lúa, quan sát chiều cao cây, thời gian sinh trưởng để khử lẫn.
IX. Phòng trừ sâu bệnh
- Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM (4 trụ cột của IPM)
- Ưu tiên sử dụng các thuốc gốc sinh học.
- Chỉ sử dụng thuốc BVTV hóa học khi thật cần thiết theo nguyên tắc 4 đúng.
- Ứng dụng mô hình công nghệ sinh thái, sử dụng nấm xanh để quản lý rầy nâu.
9.1. Quản lý sâu cuốn lá nhỏ
- Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại.
- Không gieo sạ mật độ dày, không bón dư đạm.
- Không nên phun thuốc trừ sâu khi lúa dưới 40 ngày tuổi.
- Phun thuốc khi sâu còn nhỏ (tuổi 1-2), chọn thời điểm phun lúc trời mát, nên chọn lựa các loại thuốc ít hại thiên địch.
9.2. Quản lý rầy nâu
- Cách quản lý rầy nâu:
- Vệ sinh kỹ đồng ruộng, cày vùi rơm rạ.
- Gieo sạ đồng loạt trên cùng cánh đồng theo lịch thời vụ của cơ quan chuyên môn tại địa phương hướng dẫn.
- Cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất 15 ngày, không để lúa chét trên đồng.
- Dùng nấm xanh (Metarhizium) đế quản lý rầy nâu khi mật số còn ít
- Chỉ phun thuốc trừ rầy khi phát hiện mật số rầy cám (tuổi 2-3) với mật độ cao hơn 3 con/tép lúa (trên 3.000 con/m2).
9.3. Quản lý nhện gié
- Biện pháp phòng trị:
- Nên luân canh với cây trồng khác. Cày phơi đất, vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, tiêu hủy hết rơm rạ, lúa rài, lúa chét vụ trước để cắt đứt nguồn lây lan.
- Gieo sạ mật độ vừa phải, bón phân cân đối.
- Hạn chế phun thuốc trừ sâu trước 40 ngày sau sạ nhằm bảo vệ thiên địch.
- Cần quản lý nước trên ruộng đầy đủ nhằm hạn chế nhện gié.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là vùng xung quanh bờ.
- Khi mật số cao nên phun thuốc đặc trị nhện gié.
9.4. Quản lý ốc bưu vàng
- Thường xuyên thăm ruộng bắt ốc và diệt ổ trứng suốt cả vụ lúa. Cắm cọc dọc bờ ruộng để diệt ổ trứng ốc mọi lúc, mọi nơi.
- Đặt lưới chắn các mương dẫn nước không cho ốc vào ruộng. Thả vịt vào ruộng trước gieo sạ và sau thu hoạch để ăn ốc.
- San bằng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước
- Dùng thuốc hóa học gốc Metaldehyde, Niclosamid, Saponin,...
9.5. Quản lý bệnh đạo ôn
- Biện pháp phòng trị:
- Vệ sinh đồng ruộng kỹ trước gieo sạ.
- Chọn giống kháng hoặc ít nhiễm bệnh.
- Nên làm ô dự báo trên ruộng để phát hiện sớm sự xuất hiện của bệnh.
- Cần gieo sạ thưa và bón phân cân đối. Bón phân đạm theo nhu cầu cây lúa.
X. Thu hoạch - Bảo quản
- Thu hoạch khi bông lúa vừa có độ chín đạt 85 - 90% sẽ cho năng suất và chất lượng gạo nếp cao nhất.
Lưu ý: Bón phân theo kiểu “nặng đầu, nhẹ đuôi”, tránh bón “lai rai”, lúa đẻ nhánh sớm và tập trung, chín đồng loạt.
- Sử dụng máy gặt đập liên hợp sẽ giảm tỷ lệ thất thoát khoảng 3 - 5%.
- Lúa thu hoạch xong cần làm khô ngay bằng cách phơi hoặc sấy đạt độ ẩm 14%, không phơi mớ ngoài ruộng.
- Dùng bao khô, sạch, nguyên vẹn để chứa lúa đã khô. Nên để nơi thoáng mát khô ráo, kê lót cách nền 7 - 10 cm xếp cách tường 0.5m.